Thế nào là nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa

"Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa" là hình thức chưa thể hiện hết nội dung của nhà nước pháp quyền, còn "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là nhà nước đã thể hiện hết nội dung của nhà nước pháp quyền, là nhà nước pháp quyền theo ý nghĩa đầy đủ nhất. Trên cơ sở đó, tác giả xác định một sô nội dung chủ yếu cần được thực hiện nhằm xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Thực tiễn trong nước và thế giới thời gian qua đã chứng minh vai trò to lớn của lý luận đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia dân tộc. Việc nhận thức một cách sâu sắc bản chất của các quá trình xã hội, các quan hệ xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các quyết sách chính trị. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay cần phải được tiến hành trên cơ sở một khung lý luận vững chắc, có vai trò giá đỡ cho tư duy khi giải quyết các nhiệm vụ cụ thể liên quan. Nội dung then chốt nhất trong đó chính là phải làm rõ "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" là gì? Muốn vậy, trước hết cần xác định rõ nội hàm của khái niệm nhà nước pháp quyền".

Vận dụng các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin về nhà nước, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, theo định hướng nhận thức của Đảng ta về vấn đề Nhà nước pháp quyền Việt Nam và kế thừa thành quả của các nhà khoa học Việt Nam, chúng tôi mạnh dạn phát biểu một định nghĩa về khái niệm "nhà nước pháp quyền" như sau:

Nhà nước pháp quyền là khái niệm dùng để chỉ xã hội tổ chức theo cách quyền lực của nhân dân được thể chế hóa thành pháp luật và được đảm bảo thực thi bâng bộ máy nhà nước cũng như các thiết chế chính trị - xã hội khác nhằm mang lại quyền lợi cho nhân dân.

Trước hết, chúng tôi cho rằng, "nhà nước pháp quyền" tồn tại với tính cách một khái niệm. Điều đó có nghĩa là, "nhà nước pháp quyền" tồn tại trong tư duy, là sản phẩm của tư duy. Nó không đồng nhất với một mô hình nhà nước hiện tồn, có tính trực quan, mà là sự phản ánh một trình độ tất yếu đạt tới của quyền lực nhân dân trong xã hội được tổ chức thành nhà nước. Nói cách khác, đó là sự phản ánh một trình độ tất yếu đạt tới của bộ máy nhà nước. Nội dung của nó là khách quan, là bản chất của nhà nước ở một giai đoạn trong quá trình tự phát triển, được khái quát từ sự vận động và phát triển của các nhà nước hiện tồn, song tuyệt nhiên không đồng nhất với bất cứ một nhà nước hiện tồn nào.

Đây là một quan niệm có tính phương pháp luận trong nghiên cứu nhà nước pháp quyền được rút ra từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước. Cũng giống như "vật chất" là một phạm trù triết học, chỉ tồn tại trong tư duy và là sản phẩm của tư duy thuần tuý (Ph.Ăngghen), "nhà nước pháp quyền" được định nghĩa như trên là một phạm trù của triết học duy vật biện chứng về lịch sử. Nhà nước pháp quyền là một trạng thái mà sự phát triển của nhà nước nhất định sẽ đạt tới, bất kể ý thức của con người có nhận thức dược hay không. Vì thế, nó có tính khách quan và phổ biến. Tuy nhiên, với mỗi dân tộc, con đường, cách thức đi tới nhà nước pháp quyền và nội dung của nhà nước pháp quyền lại mang những dấu ấn riêng của dân tộc ấy. Vì thế, hình thức tồn tại hiện thực của nhà nước pháp quyền rất phong phú, đa dạng và cũng rất phức tạp. Không thể biến mô hình nhà nước ở một quốc gia dân tộc này thành cái chung, giá trị chung, làm chuẩn mực đánh giá, phán xét mô hình nhà nước của một quốc gia dân tộc khác có phải nhà nước pháp quyền hay không, càng không thể từ sự quy chụp như thế để đánh giá quốc gia dân tộc ấy có phải là một quốc gia dân tộc văn minh, phát triển hay không.
Theo: chungta.com

Nhận xét